Xếp loại theo quy định mới: Chưa phù hợp với định hướng nghề nghiệp

Thứ tư - 15/09/2021 05:59:06

Năm học mới, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư đánh giá học sinh THCS và THPT với nhiều điểm tiến bộ, nhân văn, phù hợp xu hướng nhưng xếp loại học tập chưa phù hợp với mục tiêu phân hóa, định hướng nghề nghiệp cấp THPT.
 
Xếp loại

Thông  tư đánh giá học sinh THCS và THPT (Thông tư 22) áp dụng từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6, năm học 2022 - 2023 lớp 7 và 10, năm học 2023 - 2024 lớp 8 và 11, năm học 2024 - 2025 lớp 9 và 12.

Đổi mới về mục tiêu, yêu cầu đánh giá

Thông tư 22 có nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, yêu cầu, cách thức đánh giá và xếp loại học sinh (HS).

Trước hết, mục tiêu đánh giá là nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập theo yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để HS điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên (GV) điều chỉnh hoạt động dạy học…

Yêu cầu đánh giá vào các nội dụng cụ thể; đảm bảo chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp đánh giá thường xuyên và định kỳ; đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng động viên, khuyến khích; không so sánh HS với nhau.

Đây là hai thay đổi quan trọng, cho thấy có sự thống nhất giữa mục tiêu, yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình GDPT gắn với hoạt động dạy, học và đánh giá ở nhà trường. Đánh giá suốt quá trình rèn luyện, học tập của HS sẽ khắc phục tình trạng GV chậm chấm bài, nhận xét, cho điểm, giúp HS kịp thời cải tiến cách học của mình, đồng thời đòi hỏi sự sáng tạo và trách nhiệm của GV trong việc sử dụng phương pháp, kỹ thuật, công cụ đánh giá.

Nên có thay đổi về xếp loại dựa vào kết quả môn học

Với việc xếp loại dựa vào kết quả của các môn học, đòi hỏi HS phải nỗ lực nhiều môn học, từ đó giúp các em có cơ hội phát hiện sở trường, sở thích của mình.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giáo dục, để đạt mức “tốt” phải có 6 môn học đạt trên 8 điểm rất phù hợp với HS cấp THCS, còn ở cấp THPT, giai đoạn phân hóa, định hướng nghề nghiệp, yêu cầu này là bất hợp lý.

Chẳng hạn, em A có 5 môn học đạt 9 điểm, còn 3 môn đạt 7,5 điểm sẽ không đạt mức “tốt”, trong khi em B có 6 môn 8 điểm, 2 môn 6,5 điểm lại đạt mức “tốt”. Mặc dù HS A nỗ lực học tập theo định hướng nghề nghiệp của mình tốt hơn.

Nhiều năm tôi giảng dạy ở trường THPT, giai đoạn vừa thi tốt nghiệp, vừa thi ĐH, nhiều HS tốt nghiệp xếp loại trung bình (có môn thi dưới 5 điểm) nhưng thi ĐH đạt điểm cao hơn và học tập ở trường ĐH tốt hơn những HS đỗ tốt nghiệp loại giỏi. Vì vậy, đối với cấp THPT, xếp loại mức “tốt” nên có thêm trường hợp, chỉ cần có 4 hoặc 5 môn từ 9 điểm trở lên, các môn còn lại từ 6,5 điểm.

Một số rào cản khi thực hiện thông tư 22

Thông tư 22 sẽ tạo ra cơ hội thay đổi lớn, tích cực cho giáo dục trung học. Tuy nhiên, để thực hiện được những quy định của thông tư vẫn còn nhiều rào cản.

Hiện nay, một số GV vẫn chưa được tập huấn về các công cụ đánh giá trên lớp, đánh giá ngoài lớp, đánh giá qua dự án học tập… để vận dụng vào môn học, và do tác động của đại dịch, GV chưa có điều kiện sinh hoạt chuyên môn, thảo luận về thông tư mới.

Các điều kiện kỹ thuật bao gồm lớp học, cơ sở vật chất, phần mềm quản lý. Trong bối cảnh dịch bệnh, trường học chuyển sang dạy và học trực tuyến sẽ khó khăn trong kiểm tra, đánh giá HS.
Tâm lý của GV, phụ huynh, HS và xã hội mong muốn HS, con em mình có thành tích học tập khá, giỏi. Một số nơi, phụ huynh, GV có tâm lý đánh giá “nới” để HS lợi thế trong tốt nghiệp và tuyển sinh. Đây là rào cản lớn không thể xóa trong thời gian ngắn.

Vì vậy, để thực hiện tốt Thông tư 22, cần có các giải pháp đồng bộ: tập huấn, sinh hoạt chuyên môn trực tiếp hoặc qua mạng nhằm nâng cao nhận thức, nghiệp vụ và trách nhiệm đánh giá cho GV; nâng cao khả năng tự học, tự đánh giá của HS; nhà trường, các cấp quản lý giáo dục cần thay đổi nhận thức và thực hành về mục tiêu, yêu cầu, phương thức, công cụ đánh giá mới. Tuyên truyền cho phụ huynh, xã hội biết về thông tư để có sự đồng thuận. Bộ GD-ĐT đổi mới phương thức tuyển sinh THPT, thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh ĐH, CĐ giao cho các trường tự chủ theo hướng đánh giá năng lực toàn diện HS.
Theo Hồ Sỹ Anh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây