Cứ 'say hello, say goodbye' là có lương cao?

Thứ tư - 01/03/2023 06:49:42


Chuyên gia đến từ các trường ĐH đưa ra nhận định về nhu cầu, thực trạng nhân lực ngành công nghệ và công nghệ thông tin cùng những lời khuyên để sinh viên ra trường có mức lương cao.

Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin" của Báo Thanh Niên chiều 28.2, các chuyên gia của 4 trường ĐH cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến ngành nghề luôn "nóng" trong 20 năm qua.

Những con số biết nói

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nhu cầu đào tạo ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính tăng nhanh thể hiện qua các con số. Thống kê của Bộ GD-ĐT, nếu năm 2019 có 46.173 sinh viên nhập học thì đến năm 2022, số lượng sinh viên nhập học bậc ĐH các ngành công nghệ thông tin tăng lên 56.260 sinh viên.

Bên cạnh đó, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu lao động của xã hội. Tiến sĩ Viên dẫn lại báo cáo nhu cầu nhân lực trong 10 năm qua cho thấy tỷ lệ tăng trưởng, yêu cầu lao động tại thị trường Việt Nam đối với lĩnh vực này trung bình mỗi năm là 37%, có năm tăng đến 50% và xu thế này tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu tính toán đến năm 2024, thị trường vẫn cần 300.000 lao động trong lĩnh vực này, nhưng số lượng sinh viên được đào tạo chỉ có thể đáp ứng hơn phân nửa nhu cầu hiện nay. Trong đó, nhu cầu về kỹ sư luôn luôn tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển phần mềm.

Về thị phần lao động, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức lưu ý, 62% nhu cầu tập trung ở thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam; 33% tập trung ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… "Yêu cầu về nhân lực có trình độ ĐH là 87%, 23% là học trung cấp chuyên nghiệp, còn lại là có chứng chỉ đào tạo", tiến sĩ Viên cho hay.

Còn tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, dự báo trong khoảng 5 năm tới, khả năng trường đào tạo chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xã hội. Do vậy, lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học máy tính thiếu nhân sự trầm trọng.

Cứ 'say hello


Cần chuẩn bị gì để có lương cao?

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, nhà tuyển dụng còn yêu cầu ứng viên phải có năng lực tiếng Anh. Kết quả khảo sát nguồn nhân lực cho thấy 87% nhà tuyển dụng yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải có tiếng Anh.

Tuy nhiên, tiến sĩ Viên cho hay, chỉ có 35% sinh viên tốt nghiệp có năng lực, kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Do đó, thí sinh muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin cần chuẩn bị tinh thần để trau dồi trong suốt quá trình học tập.

"Các bạn cần phải học tiếng Anh chủ động chứ không thụ động. Với kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, không phải chỉ đơn giản là biết 'say hello hay say goodbye' mà các bạn phải có khả năng tương tác với cộng sự, khách hàng để truyền đạt thông tin. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đòi hỏi cao về năng lực của người lao động", tiến sĩ Viên lưu ý.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Xuân Trường nhấn mạnh người học cần nắm vững kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm như kỹ năng tự học, sáng tạo và thái độ làm việc.

"Không phải cứ sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính ra trường cũng có việc làm tốt nếu thiếu những yếu tố nói trên. Thị trường lao động đòi hỏi khắt khe, bắt buộc sinh viên phải có nền tảng, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ mới thành công", tiến sĩ Trường nói.

Tương tự, tiến sĩ Huỳnh Đệ Thủ, Khoa Kỹ thuật và khoa học máy tính, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chỉ ra rằng các số liệu thống kê cho thấy ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính "hot" trong 20 năm qua, đến hôm nay vẫn hot và tiến lên trình độ cao hơn. Điều này đồng nghĩa sinh viên và người lao động phải tự trang bị và được đào tạo kiến thức cao cấp hơn.

Bên cạnh đó, hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực luôn cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin từ thương mại đến y học, từ nông nghiệp đến công nghiệp… Chính vì vậy, theo tiến sĩ Thủ, cơ hội việc làm luôn khả quan với những ứng viên có sự chuẩn bị tốt nhất, chủ động nhất.

Còn thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin-truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, thông tin, khối ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính so với khối ngành kinh tế, kinh doanh quản trị thì cũng nằm trong tốp 2 khối ngành đào tạo được thí sinh lựa chọn nhiều nhất.

Theo thạc sĩ Bích, các ngành công nghệ thông tin ngày càng đi sâu vào từng lĩnh vực của đời sống và phát triển đa dạng hơn. Như vậy, để giúp sinh viên ra trường có mức lương cao, thạc sĩ Ngọc Bích cho rằng các trường nên nâng cấp chương trình đào tạo nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được xu hướng phát triển hiện nay.

 

Theo Bích Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây