Khung học phí đại học năm 2023-2024 sẽ ở mức nào?

Chủ nhật - 27/08/2023 21:17:44


Nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành lên tới 93% so với năm học trước. Mới đây Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định 81 lùi lại 1 năm.

Khung học phí đại học


Bộ GD-ĐT đã có Tờ trình trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Nếu không lùi, có khối ngành tăng hơn 90%, gây áp lực cho người học

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 15.12.2021, trong đó có quy định về lộ trình tăng học phí cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên năm 2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 yêu cầu mức học phí của cơ sở giáo dục công lập năm 2022-2023 tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022.

Như vậy, lộ trình học phí theo quy định tại Nghị định 81 đến năm học 2022-2023 đã chưa được áp dụng nên học phí của các cơ sở giáo dục đã không tăng qua 3 năm học.

Theo Bộ GD-ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã đề nghị năm học 2023-2024 cần áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định 81 để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ. 

Tuy nhiên nếu học phí năm học mới này được áp dụng theo Nghị định 81 thì mức tăng rất cao so với năm học 2022-2023.

Cụ thể mức trần học phí giáo dục ĐH công lập năm học 2023-2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023. Đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành nhân văn-khoa học xã hội tăng 53%.

Vì thế nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí như vậy sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và phản ứng của dư luận xã hội, nên hầu hết đã thống nhất việc tăng học phí có thể chậm lại một năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81.

"Việc lùi lộ trình tăng học phí một năm với biên độ điều chỉnh học phí năm học 2023-2024 thấp hơn so với quy định tại Nghị định 81 sẽ giảm áp lực cho người học. Song song đó các chính sách về hỗ trợ đối với đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện theo quy định hiện hành. Đồng thời các quy định tại Nghị định 81 về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí cho các đối tượng ưu tiên nhằm đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục không thay đổi", Bộ GD-ĐT nêu.

Đầu tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81.

Việc sửa nghị định theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81 và không tăng học phí năm học 2023 - 2024, trình Chính phủ trước ngày 8.8.

Khung học phí cụ thể trong năm học 2023-2024

Tại dự thảo này, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học mới bằng mức trần học phí năm học 2022-2023 tại Nghị định 81 và dự kiến tính đủ chi phí vào năm học 2026-2027.

Khung học phí đại học1


Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí này tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí này.

Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT quy định, hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục ĐH được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành và thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây