Học kỹ thuật, công nghệ có dễ kiếm việc làm ?

Thứ sáu - 20/03/2020 10:16:17
Được các chuyên gia đánh giá là 'xương sống' của sự phát triển, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ đang rất cần người học để đáp ứng nhu cầu thực tế.
 
tuvan

Nội dung trên được chia sẻ trong chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến chiều 19.3, được phát trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Nhiều ứng dụng quan trọng phục vụ cuộc sống

Nói về tầm quan trọng của khối ngành kỹ thuật, công nghệ, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, liên hệ ngay tới tình hình thực tế đang diễn ra: “Như các em thấy, dịch Covid-19 đang đặt các nhà khoa học và công nghệ trước thách thức làm sao để nghiên cứu ra được vắc xin, các loại thuốc để chữa trị. Các nhà khoa học, công ty công nghệ đang ngày đêm chạy đua để làm điều đó. Tất cả các quốc gia hiện nay cũng đều đầu tư nguồn lực lớn để nghiên cứu sản xuất những thiết bị y tế hiện đại nhất để kiểm tra, phát hiện, tầm soát dịch bệnh. Vai trò của kỹ thuật, công nghệ rất quan trọng. Nó là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, làm đời sống con người ngày càng tốt hơn. Quốc gia càng phát triển khoa học công nghệ thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trang thiết bị phục vụ y tế cũng tốt hơn”.
Thạc sĩ Đường Anh Tân, Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, còn lấy ví dụ rất sinh động về ứng dụng của khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong thời điểm này. Đó là các sáng chế như buồng khử khuẩn giúp cho cộng đồng phòng chống dịch Covid-19, bộ kit xét nghiệm vi rút Corona chủng mới...

Cơ hội việc làm lớn nhưng ít người học

Có mặt tại chương trình tư vấn, PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin: “Học các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, cơ hội kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp gần như 100%. Từ công nghệ thông tin, cơ khí, xây dựng, điện đến công nghệ sinh học, công nghệ ô tô... đều đang “khát” nhân lực. Dù những ngành học này không phải là thời thượng, nhưng cơ hội việc làm luôn rộng mở vì tính bền vững và lâu dài của nó”.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, số lượng thí sinh đăng ký học những ngành kỹ thuật công nghệ lại rất ít. “Đa số các ngành đều có dự báo khan hiếm nhân lực. Gần như 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường. Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật nhiệt, năm 3, năm 4 là đã có việc làm. Nhưng thực tế lại không có nhiều thí sinh lựa chọn. Có lẽ do tâm lý e ngại đó là những ngành nặng nhọc, khó khăn. Trong khi có rất nhiều vị trí làm việc khác nhau chứ không phải công việc nào cũng nặng nhọc, chẳng hạn ngành kỹ thuật nhiệt có thể làm kỹ sư thiết kế hệ thống điều hòa cho cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại hoặc tổ chức thi công...”, thạc sĩ Tuấn nhận định.
PGS-TS Nguyễn Thế Dương, Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Duy Tân, cũng chia sẻ nam hay nữ đều có thể học được các ngành kỹ thuật do hiện nay công nghệ làm thay đổi cách lao động. “Các xưởng sản xuất ô tô điều khiển bằng hệ thống tự động, các nhà xưởng nhà máy trong điều kiện làm việc tốt, mát mẻ, nhẹ nhàng chứ không phải chỉ ra ngoài công trường làm những công việc nặng nhọc mà có thể làm nhiều công việc như hoạch định chiến lược, thiết kế, mô phỏng, dự toán, phân công nhân sự... Đặc biệt, có những công việc nữ làm việc hiệu quả hơn nam vì có sự tỉ mỉ, siêng năng, cẩn thận...”, PGS-TS Dương chia sẻ thêm.

 
Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây