Chọn ngành học chủ yếu để dễ tìm việc

Thứ ba - 04/06/2019 17:52:57

Dù công tác hướng nghiệp đã có hiệu quả hơn nhưng thực tế, thí sinh năm nay vẫn chọn ngành học dễ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp hơn là theo sở thích

 
chonnganhhoc
 

Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2019", sáng 31-5, Báo Người Lao Động tổ chức talk show với chủ đề "Đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019: Ngành học nào được ưa chuộng?" với sự tham dự của TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam; ThS Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) và ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực.

Ba khối ngành được nhiều thí sinh đăng ký

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cho thấy số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia chỉ giảm 30.000 so với năm 2018, chủ yếu rơi vào trường hợp thí sinh tự do. Số thí sinh đang học THPT về cơ bản vẫn ổn định, đây là nguồn chính để các trường xét tuyển.

Xu thế chọn ngành của thí sinh năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2018 và những năm trước, khối ngành kinh doanh vẫn được chọn nhiều nhất với hơn 800.000 nguyện vọng (NV), chiếm 1/3; khoa học xã hội - nhân văn, báo chí, an ninh quốc phòng, dịch vụ khách sạn - du lịch với 740.000 NV; khối tiếp theo là công nghệ, kỹ thuật, khoa học tự nhiên, toán khoảng 600.000 NV. Như vậy, 3 khối ngành trên chiếm hầu hết số lượng các NV mà học sinh (HS) đăng ký năm 2019. Có 2 khối ngành ít thí sinh đăng ký là sức khỏe, nghệ thuật. Dù vậy, tỉ lệ chọi ở khối ngành sức khỏe vẫn cao khi năm nay bộ quy định điểm sàn.

Nhận định về sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh năm nay, ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng HS vẫn có xu hướng đăng ký ngành học dễ tìm việc làm và ngành học có thu nhập cao. Không riêng gì năm nay mà những năm trước cũng vậy. Về việc chọn tổ hợp môn thi, ông Phú cho biết thí sinh ở TP HCM có lợi thế ngoại ngữ nên chọn khối A1 và D. Phần lớn các em chọn vào những trường thuộc ĐHQG TP HCM. Trường THPT Nguyễn Du có 421 thí sinh khối 12 đăng ký thì 100 thí sinh thi khối A, 150 em thi khối A1, 60 em thi khối B và số còn lại thi khối D.

Thống kê cũng cho thấy 160 thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 300 em tham gia thi đánh giá năng lực của ĐHQG, 210 em tham gia thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Quốc tế (thành viên của ĐHQG TP HCM)… Điều này cho thấy các em chọn trường danh giá và dễ tìm việc làm sau khi ra trường.
 

Thị trường lao động mất cân đối

Dưới góc nhìn của chuyên gia về dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn đánh giá nhìn chung, xu hướng chọn ngành của HS hiện nay phù hợp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Trong 3 khối ngành được nhiều thí sinh đăng ký năm nay, đặc biệt nhóm ngành về kinh tế - tài chính đang thiếu. Khối ngành công nghệ, kỹ thuật đang tăng do nhu cầu tăng, đây là nhóm ngành chủ lực thúc đẩy trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Xu hướng chọn ngành của HS được đánh giá là đúng nhưng nhóm ngành về nông nghiệp có rất ít thí sinh đăng ký. Có thể vì nhóm ngành này chưa hấp dẫn hoặc chưa có nhiều thông tin đến với thí sinh. Ông Trần Anh Tuấn cho biết thị trường lao động đang mất cân đối, thể hiện ở cơ cấu các cấp học, giữa chất lượng và nhu cầu, giữa các ngành nghề.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nếu phát triển mạnh công nghệ sinh học thì trong tương lai có thể thu hút ở lĩnh vực công nghệ cao trong nông nghiệp. Nông nghiệp trong tương lai là công nghệ thông tin kết hợp công nghệ sinh học chứ không phải là cái cày và con trâu. Vấn đề hiện nay là cải tạo hệ thống giáo dục để thích nghi chứ không phải tuyển sinh nhiều.

Để hạn chế sự mất cân đối trên, theo ông Trần Anh Tuấn, cần làm tốt công tác hướng nghiệp cho HS. Thực tế, hiện nay có những trường công tác hướng nghiệp được tổ chức tốt mang lại hiệu quả nhưng nhiều trường không có điều kiện tổ chức hướng nghiệp. Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác dự báo nhân lực ở tầm quốc gia.

Ông Tuấn cho rằng xu hướng của HS hiện nay vẫn là chọn học bậc ĐH, không đậu ngành này thì học ngành khác là rất nguy hiểm bởi mỗi người chỉ phù hợp với một nhóm ngành nhất định.

Lẽ ra, nếu không đậu ĐH ngành mình chọn thì có thể học ở bậc CĐ. "Vấn đề quan trọng là chọn ngành nghề phù hợp nhất với mình và thành công trong thị trường lao động. Mỗi người chỉ phù hợp với một nhóm ngành nghề nhất định mà thôi" - ông Trần Anh Tuấn kết luận.


 

Công tác hướng nghiệp có hiệu quả

Ở góc nhìn khác, TS nguyễn Đức Nghĩa cho rằng công tác hướng nghiệp đã có tác dụng và HS đã biết chọn lựa ngành nghề. Ông cho biết kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển năm 2017 là kỳ thi có nhiều thay đổi nhất, thay đổi lớn nhất là thi theo bài thi chứ không theo môn như trước và thí sinh được đăng ký không giới hạn NV, cho điều chỉnh sau khi có kết quả thi. Việc này đã từng gây lo lắng nhưng thực tế xu thế của HS khá ổn định. Trong 3 năm 2017-2018-2019, trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 NV, việc chọn NV có cân nhắc. Năm 2017 và 2018 vừa rồi, sau khi có kết quả thi, có tới 50% thí sinh điều chỉnh. Những thí sinh điều chỉnh NV là do điểm của các em khác với dự đoán chứ không phải chuyển ngành. Rõ ràng là công tác hướng nghiệp đã có hiệu quả.
 

Theo Huy Lân 
NLĐ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây