3 câu hỏi giúp học sinh THPT định hướng nghề nghiệp

Chủ nhật - 06/05/2018 10:10:08

Trả lời câu hỏi "Mình thích gì? Cái mình giỏi? Nghề nào có thể kiếm ra tiền?", học sinh sẽ chọn hướng đi nghề nghiệp đúng đắn nhất.

 

Làm thế nào để chọn được nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân; cách nhận ra đam mê, khả năng nghề nghiệp trong tương lai của mình... là vấn đề được quan tâm nhất của học sinh, phụ huynh trong 2 giờ diễn ra buổi phỏng vấn trực tuyến "Hướng nghiệp cho học sinh THPT" trên VnExpress.
 

Dinh huong nghe nghiep

Bà Lê Thị Hồng Hạnh, (ở giữa); Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bên phải); ông Lê Tuấn Dũng (bên trái).
 

Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Cao đẳng Anh Quốc BTEC - FPT Education; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục - Đại học Sư phạm TP HCM; ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc phát triển Pearson, Giám đốc tổ chức Edexcel tại Việt Nam giải đáp những thắc mắc của độc giả qua những câu hỏi dưới đây.
 

- Thưa cô Hạnh, cho em hỏi nếu học ngành quản trị kinh doanh tại trường thì sau này tốt nghiệp có thể xin việc ở đâu và cơ hội việc làm của ngành này thế nào ạ? (Đức Minh, 17 tuổi, Hà Nội).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Cao đẳng Anh Quốc BTEC - FPT Education:

Chào bạn,

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay, ngành quản trị kinh doanh đòi hỏi nhu cầu nhân lực rất lớn. Ngành quản trị kinh doanh ngày nay cũng khác với quan điểm trước đây: đó là hội nhập quốc tế, có nhiều nguyên tắc quản trị quốc tế trong chương trình đào tạo hơn và đặc biệt là tiếng Anh.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tuyển dụng trực tiếp đến sinh viên ngành quản trị kinh doanh ngay khi các bạn đang học. Bên cạnh đó còn có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng đang gửi yêu cầu tuyển dụng trực tiếp với các trường. Vì vậy, khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên sẽ không phải lo lắng về cơ hội nghề nghiệp.

Tại BTEC - FPT Education đang tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh quốc tế với cam kết chắc chắn việc làm từ doanh nghiệp ngay khi sinh viên nhập học.
 

- Em đang là học kỳ 4 tại Aptech FPT, giờ em muốn học tiếp để có bằng CĐ hoặc ĐH thì sẽ phải cần làm những gì để đăng ký chương trình Cử nhân cầu nối 8 tháng của BTEC? (Mai Hồng, 19 tuổi, Bắc Giang).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng, Giám đốc phát triển Pearson, Giám đốc tổ chức Edexcel tại Việt Nam:

Chào bạn

Một phần tín chỉ của chương trình Aptech sẽ được chương trình BTEC công nhận. Điều này có nghĩa bạn sẽ rút ngắn thời lượng đào tạo của chương trình BTEC. Hiện nay, theo tôi hiểu Cao đẳng Anh quốc FPT BTEC có chương trình đào tạo liên thông từ Aptech lên BTEC với thời gian từ 8 tháng đến một năm. Sau khi tốt nghiệp BTEC, bạn hoàn toàn có khả năng vào thẳng các chương trình đại học năm cuối cùng chuyên ngành tại các trường đại học tại Anh hoặc liên thông vào chương trình đại hoc năm cuối của đại hoc Greenwich tại Việt Nam. 
 

- Thưa tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, làm thế nào để tránh căng thẳng khi vào phòng thi và trong các ngày thi?
 
 (Huỳnh Anh Tuấn, 18 tuổi).

 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, chuyên gia tư vấn tâm lý giáo dục - Đại học Sư phạm TP HCM:

Chào bạn,

Trong phòng thi, thời gian chờ lâu lắm. Để lấy lại bình tĩnh vui vẻ nhanh chóng trong phòng thi, em có thể thực hiện các điều sau:

1. Khi vào phòng thi, tìm một bạn nào đẹp trai nhất, một bé nào xinh xắn nhất trong phòng thi để ngắm... lấy động lực. Tưởng tượng cảnh người ấy và mình học cùng lớp trong tương lai để lấy khí thế.

2. Đừng tưởng tượng cảnh thi rớt, quên bài... mà thay vào đó là cảnh háo hức biết đề thi, gặp nhiều bạn mới (biết đâu chừng đợt này mình hết cô đơn), cảnh dạo chơi vùng đất mới...

3. Nên tìm hiểu trước đường đi, nhớ phải ăn sáng đầy đủ. "Có thực mới vực được não". Ngày thi là ngày bạn não phải ở đỉnh cao phong độ, bạn ấy mới tư duy rành mạch.

4. Một võ sĩ quyền anh sẽ giữ sức khỏe khi đánh trận chung kết. Anh ấy không thức tới 4h sáng và 7h thi đấu.

5. Vấn đề của bạn là tránh quên kiến thức 3 năm qua chứ không phải nhồi thêm kiến thức trong vài ngày.

6. Nên mang theo một chai nước suối đã lột sạch nhãn, để ở trước cửa phòng, thỉnh thoảng xin ra uống. Uống nước sẽ giúp trấn an tốt, cũng là cách để "làm mát não" và "hạ nhiệt tim".

7. Đầu buổi thi có gần 30 phút ngồi đợi trước khi mở đề nên hãy chuẩn bị sẵn vài câu hỏi vui để giao lưu với thầy cô, quay sang mỉm cười dễ thương làm quen với đứa ngồi bên cạnh để tâm lý thư giãn.

8. Giám thị nhiều, quy trình khắt khe là giúp cuộc thi công bằng. Thực ra họ là những "Thiên thần hộ vệ" của thí sinh. Năm nào thầy cũng làm giám thị mà (cười)

9. Đề khó là sẽ khó với hầu hết mọi người, không chỉ với riêng mình. Cho nên ta chỉ việc là làm hết sức.

10. Đa số thí sinh hồi hộp lo sợ là vì không thể nhớ hết tất cả các bài cần nhớ, sợ mình sẽ quên điều gì đó khi thi. Thực ra bạn đừng quá cầu toàn, chẳng ai có thể nhớ tất cả những gì mình đã học.

11. Hãy tìm cho mình một "điểm tựa tâm lý" - tức một người mà mình sẽ yên tâm ấm áp khi nghĩ về, hoặc một cảnh tượng mà mình sẽ vui vẻ hứng thú khi nhớ đến.

12. Khi làm bài, đừng quan tâm mấy thí sinh khác. Ai xin giấy nhiều chưa chắc đã giỏi, ai ra về sớm chưa chắc là làm được hết.

13. Khi có sự cố: muốn đi vệ sinh, đau bụng, bị thí sinh khác quấy rối... cứ mạnh dạn giơ tay nhờ các "Giám thị thiên thần" giúp đỡ.

14. Nên đem theo nhiều bút để dự phòng, mặc bộ áo mình ưng ý nhất, mang đôi giày đẹp nhất... để thấy mình cũng "oách", cũng hấp dẫn, cũng tự tin ra dáng.

Chúc các thí sinh thi cử tốt nhé.
 

- Bố mẹ em mong muốn em học trường Ngoại thương để sau này về quản lý công ty gia đình. Tuy nhiên, em thì rất thích ngành công nghệ thông tin và muốn lập trình nên nhiều chương trình tiện ích quản lý các phần mềm độc hại đến các hệ thống về mạng. Em không muốn bố mẹ buồn. Vậy em nên làm sao? (Hồng Mai, 16 tuổi, Hồ Chí Minh).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Học ngành nào không quan trọng, về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ các ngành học mà em thực sự yêu thích. Trường Cao đẳng FPT Anh quốc BTEC hiện có các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin bao gồm Phát triển phần mềm và Quản lý hệ thống theo tiêu chuẩn Anh mà bạn có thể tham khảo. 
 

- Thưa cô Hạnh, vốn tiếng Anh của em khá là kém, được biết FPT BTEC là môi trường học quốc tế từ Anh và có tuyển sinh ngành em yêu thích là thiết kế đồ họa. Em chỉ sợ học hoàn toàn tiếng Anh sẽ không theo kịp bài. Mong cô cho em lời khuyên để có thể học tại trường, cải thiện được ngoại ngữ và bắt nhịp được chương trình? (Hồng Đức, 17 tuổi, Hà Nội).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào em,

Theo triết lý giáo dục của FPT Education, tất cả mọi người đều có quyền học tập, miễn là có niềm đam mê. Nếu rất yêu thích ngành thiết kế đồ họa nhưng lại khá kém về tiếng Anh, em không nên lo lắng bởi chương trình học của trường sẽ đào tạo tiếng Anh từ bắt đầu đến nâng cao, theo chương trình Summit (tương đương quy đổi IELTS quốc tế, TOEFL quốc tế, iBT...) sử dụng trong hệ thống FPT Education.

Với niềm đam mê cùng sự quyết tâm theo sát chương trình đào tạo của nhà trường; hoàn thành đầy đủ nội dung học, chắc chắn em sẽ bắt nhịp được chương trình và thành công.

Dù em có học bất kỳ ngành nghề nào, không chỉ riêng ngành thiết kế đồ họa thì tiếng Anh vẫn là kỹ năng cần thiết nhất để thành công trong công việc và cuộc sống. Môi trường học nào càng đòi hỏi nhiều tiếng Anh, người học sẽ càng có cơ hội nhiều hơn trong tương lai.
 

- Nếu như không đỗ đại học thì em sẽ phải làm gì tiếp? Em rất muốn có một bằng cấp uy tín để xin việc, sau đó có thể đồng thời thực hiện tiếp ước mong thi đỗ vào một trường đại học để có cơ hội thăng tiến dễ dàng hơn. (Phương Anh, 17 tuổi, Đà Nẵng).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Nếu không đỗ đại học, em hoàn toàn có thể đăng ký học chương trình Cao đẳng quốc gia Anh BTEC và tốt nghiệp trong thời gian 2 năm. Sau đó, em có thể đi làm để lấy kinh nghiệm thực tế và trở lại đăng ký học chương trình đại học năm cuối của các trường đại học tại Anh hoặc Việt Nam. 

Khi bạn nhắc đến một bằng cấp uy tín để xin việc, tôi cho rằng Anh là quốc gia có hệ thống giáo dục và bằng cấp có uy tín hàng đầu thế giới. 
 

- Em thực sự chưa biết chọn học ngành nào cho tương lai, năm sau em mới thi đại học. Thầy có thể cho em hỏi là có nên đi du học ngay sau tốt nghiệp lớp 12 hay là sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam mới nên qua nước ngoài học tiếp cao học? Hiện trình độ tiếng Anh của em chưa thật sự tốt lắm. Xin cho em lời khuyên ạ, cả về việc định hướng nghề nghiệp nữa. (Nguyễn Hoàng Long, 18 tuổi).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào bạn,

Để chọn được ngành học, bạn cần trả lời được ba vòng tròn sau:

- Cái mình có thể làm giỏi.

- Cái mình thích.

- Cái làm ra tiền.

Tìm giao thoa giữa ba vòng tròn đó, bạn sẽ tìm ra ngành học cho tương lai.

Về việc đi du học, bạn nên đi nếu học những ngành cần cập nhật kiến thức tiên tiến nhất để lên "level" một cách nhanh chóng. Ví dụ, ngành công nghệ thông tin, bạn có thể tìm đến Ấn Độ. Học quản trị du lịch có thể sang Thụy Sĩ. Ngành kỹ xảo đồ họa, có thể sang New Zealand hoặc các nước tiên tiến khác.

Nếu học một chương trình quốc tế tại Việt Nam, bạn vừa tiếp thu tinh hoa, vừa có thời gian làm quen và thích nghi với môi trường nghề nghiệp tại Việt Nam. Chúc bạn có sự lựa chọn khôn ngoan nhất.
 

3-cau-hoi-giup-hoc-sinh-pho-thong-dinh-huong-nghe-nghiep-2
Mô hình chọn nghề.


- Năm sau em lên 12, mà bây giờ em chẳng thích ngành nghề nào, học tập cũng thuộc dạng khá, mức học bình thường và điểm thấp môn anh. Em không định hướng được tương lai của mình, em phải làm sao? (Như Quỳnh, 17 tuổi).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào bạn,

Năm nay bạn chỉ mới học lớp 11 thì còn thời gian một năm nữa để định hướng ngành nghề. Vì thế, bạn không cần phải quá vội vàng và lo lắng nếu chưa biết được ngành nghề phù hợp với mình. Thời gian này, bạn nên tìm hiểu các thế mạnh và tố chất của bản thân để xem phù hợp với ngành nghề nào.

Hiện nay, các trường có tổ chức nhiều chương trình tư vấn, tham quan, tìm hiểu trường, giúp các em học sinh tiếp cận và khám phá bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp. Ngay từ bây giờ bạn nên chủ động tham gia tất cả buổi tư vấn, để có cơ hội nghe sự hướng dẫn từ các chuyên gia và quyết định hướng đi cho tương lai.

 

- Tôi thấy bây giờ thường là các trường cao đẳng khác phải học 3 năm mới tốt nghiệp. Vậy tại sao thời gian học của Cao đẳng Anh Quốc BTEC FPT lại chỉ có 2 năm? Học thời gian ngắn thế này liệu có đảm bảo nếu con tôi có đủ kiến thức để ra trường làm việc ngay không? (Mỹ Lệ, 42 tuổi, Hà Nội).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Giáo dục đại học tại Anh gồm 3 năm và cao đẳng là 2 năm vì có sự tập trung cao về mặt hàm lượng hàn lâm. Tại Việt Nam, chương trình cao đẳng BTEC theo chuẩn quốc gia Anh từ thời lượng, chương trình khung và văn bằng. Chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có ngôn ngữ học tập và khảo thí cũng bằng ngôn ngũ này nên đòi hỏi tiếng Anh đầu vào là tương đối nghiêm túc.

Chính vì thế, Cao đẳng Anh Quốc BTEC FPT tại Việt Nam thường thiết kế thêm một kỳ dự bị tiếng Anh, trang bị đủ năng lực ngôn ngữ cho người học trước khi vào chương trình chính thức. Do đó chương trình thường kéo dài 2 năm rưỡi đến 3 năm tùy vào năng lực ngôn ngữ đầu vào. 
 

- Chào Thầy Dũng. Em có được đại diện BTEC tư vấn là trường có ký kết với tổ chức giáo dục Pearson trong đào tạo. Thông tin này có chính xác không? (Đào Văn Mạnh, 23 tuổi, Hà Nội).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Thông tin này là chính xác. Tập đoàn FPT là đối tác chính thức, là cơ sở đào tạo BTEC tại Việt Nam đã được Pearson phê duyệt từ năm 2010.
 

- Chào chị Hạnh, năm nay em trai tôi tham gia kỳ thi THPT Quốc Gia, và đang có nguyện vọng đăng ký công nghệ thông tin nhưng đang không biết chọn trường nào cho phù hợp với sức học. Em trai tôi có lực học khá, tổng kết được 7,2. Gia đình thì không quan trọng vấn đề bằng cấp chỉ cần ra trường có thể làm được việc. Mong chị có thể đưa ra lời khuyên và gợi ý một số lựa chọn cho gia đình tôi. Cám ơn chị nhiều. (Nguyễn Tiến Minh, 26 tuổi, Hưng Yên).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào bạn,

Em trai của bạn có học lực khá và tổng kết được 7,2 chắc chắn là nâng lực bản thân của em đủ chuẩn để theo học bất cứ chương trình nào mà em đam mê. Hiện có nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thông tin. Trong ngành này cũng chia ra nhiều mảng nhỏ như lập trình, quản trị mạng, hệ thống thông tin... để cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với sức học. Em trai của bạn có thể đến các trường chuyên đào tạo ngành công nghệ thông tin để nhận được sự tư vấn cụ thể nhất về ngành học phù hợp.
 

- Thầy cho em hỏi, làm sao có thể đánh giá năng lực và hiểu những điều bản thân mong muốn để có thể chọn hướng đi nghề nghiệp đúng đắn nhất? (Nguyễn Ý Linh, 20 tuổi).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào bạn,

Để biết mình thích nghề gì, có các cách sau đây:

Cách 1: đọc qua danh sách 300 ngành nghề, sau đó chọn ra 20 nghề bạn thấy hứng thú nhất. Đọc kỹ mô tả 20 nghề này và cả chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra để chọn ra 10 nghề mình thấy thú vị, sau đó phỏng vấn ít nhất 10 người đang làm 10 nghề này (về mức lương, khó khăn, niềm vui và nội tình của nghề đó...) để chọn ra 5 nghề yêu thích nhất. Cuối cùng, bạn phải đi thử 5 nghề này ở một vị trí hoặc một phần việc nhỏ nào đó để có trải nghiệm thực sự. Lúc đó, bạn có thể lọc lại còn 2 nghề mà mình thích nhất.

Cách 2: đi thăm quan nghề nghiệp xem người khác hành nghề thế nào, xin  trải nghiệm thử nếu được, bạn sẽ biết mình có hứng thú với công việc đó hay không.

Để đánh giá năng lực bản thân có 6 cách sau:

Cách 1: so sánh bản thân có điều gì khác so với bạn bè cùng trang lứa.

Cách 2: xâu chuỗi lại những điều mình đã làm tốt nhất trong quá khứ, những cuộc thi mình đoạt giải hoặc mọi người hay khen mình điều gì nhất...

Cách 3: sinh trắc học để kiểm tra độ ưu thế của 10 thì não từ đó sẽ biết thế mạnh tư chất của mình là gì. Mỗi tư chất sẽ ứng với một nhóm nghề.

Cách 4: phỏng vấn ít nhất 20 người thân cận, yêu cầu họ nhận xét chi tiết bản thân mình. Xâu chuỗi các lời nhận xét, tìm ra đặc điểm lặp đi lặp lại - có thể bạn sẽ tìm ra thế mạnh cốt lõi của mình.

Cách 5: làm các trắc nghiệm tâm lý. Mỗi trắc nghiệm sẽ cho biết độ mạnh của một năng lực nào đó.

Cách 6: phương pháp "hộp diêm". Mỗi người là một hộp diêm, bên trong có nhiều que diêm tiềm năng, bạn chỉ có thể biết que diêm nào bùng cháy và tỏa sáng, còn que nào lép khi rút nó ra và cọ sát thực tế. Ví dụ, muốn biết mình có khả năng làm MC hay không, bạn phải cầm micro. Muốn biết có khả năng nấu ăn hay không, bạn "phải lăn vào bếp". Muốn biết mình có khả năng kinh doanh hay không, phải thử bán hàng. Muốn biết có khả năng lãnh đạo hay không, bạn phải thử làm lớp trưởng, lớp phó, bí thư, chủ nhiệm câu lạc bộ...

Sau khi trả lời được ba câu hỏi:

- Cái mình thích là gì?

- Cái mình giỏi là gì?

- Nghề nào có thể kiếm ra tiền?

bạn sẽ chọn được hướng đi nghề nghiệp đúng đắn nhất.

3-cau-hoi-giup-hoc-sinh-pho-thong-dinh-huong-nghe-nghiep-4
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.


- Thưa Chú Dũng,
Cháu và gia đình đang phân vân giữa việc học ở Việt Nam và đi du học. Cháu thấy bên Anh có chất lượng đào tạo rất tốt nhưng chi phí cao quá. Liệu có giải pháp nào để cháu có thể đi du học mà vẫn tiết kiệm chi phí hay không?
 (Trần Thị Vinh, 18 tuổi, Hà Nội).

 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Học đại học tại Anh đương nhiên có chi phí rất cao, tối thiểu khoảng 75.000 bảng Anh cho 3 năm học, đã bao gồm học phí và chi phí sinh hoạt. Bạn hoàn toàn có thể học chương trình cao đẳng BTEC quốc gia Anh tại Việt Nam, sau đó liên thông vào chương trình năm cuối đại học tại Anh.

Nếu theo mô hình này, bạn có thể tiết kiệm 1/3 chi phí. Thực tế chỉ ra rằng đã có trên 4.000 sinh viên Việt Nam trong 10 năm qua đã hoàn thành chương trình đại học Anh bằng con đường BTEC. 
 

- Em học ngành thiết kế, tuy nhiên em thấy em chưa tự tin lắm với nghề này. Cho em hỏi có cách nào để em biết được em thật sự phù hợp với ngành này không các thầy cô ạ. (Nguyen Thi Thu Hong, 22 tuổi).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào em,

Ngành thiết kế nói chung điều đầu tiên đòi hỏi em phải là một người yêu thích, có óc sáng tạo, sự đam mê, thích khác biệt và thay đổi. Thông thường ngành này phù hợp với các em đang học khối C, D và H. Trong ngành thiết kế cũng chia ra nhiều mảng nhỏ như: thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế thời trang... Đây được xem là một ngành đa dạng cho sự lựa chọn.

Để có sự quyết định tốt nhất, bản thân em nên chủ động tìm hiểu thông tin cụ thể hơn về từng mảng trong ngành thiết kế và tham gia vào các chương trình tư vấn, cũng như lắng nghe những ý kiến từ các chuyên gia và những người có kinh nghiệm đi trước.

Điểm đặc biệt là bạn nên chọn những ngành nghề nào đang có cơ hội nghề nghiệp lớn trong tương lai và thiết kế đồ họa quốc tế đang là một trong những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng rất lớn.
 

- Chào thầy Dũng. Xin hỏi sau khi em học xong BTEC ở Hà Nội, em có thể liên thông lên trường đại học nào bên Anh? (Hoàng Thị Hoà, 19 tuổi, Hà Đông, Hà Nội).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Em có thể liên thông vào chương trình đại học năm cuối tại trên 60 trường đại học ở Anh.

Em có thể tham khảo thông tin tại website chính thức của Pearson. Một số trường có nhiều học sinh Việt Nam liên thông là Đại học Sunderland, West of England, Greenwich, Bedfordshire, Huddlefields, Coventry, Sheffield...
 

- Gửi thầy Hiếu, em đang học trường Đại học Ngoại thương TP HCM, tuy nhiên học đến năm thứ 2 em cảm thấy nặng nề và áp lực quá. Em đam mê thiết kế đồ họa, liệu em có nên bỏ Ngoại thương để học thiết kế hay nên học song song cả 2 trường? Em cảm ơn ạ. (Trần Nguyên Hạnh, 20 tuổi, Hồ Chí Minh).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào bạn,

Việc đầu tiên, bạn phải xác định xem ngành đang học ở Đại học Ngoại thương chỉ là áp lực hay thật sự không phù hợp với khả năng của em và em cũng không hứng thú. Nếu em thích, em hợp nhưng chương trình quá khó, em phải đổi mới phương pháp học thông minh hơn bằng cách hỏi thầy cô, học hỏi các bạn "ngôi sao" trong lớp.

Nếu em không thích hoặc không hợp, em nên cân nhắc có nên chọn ngành đang học như  một kế sinh nhai chỉ để kiếm sống chứ không phải đam mê hay nên "làm lại từ đầu". Nếu gia đình khó khăn, hãy học tiếp để kiếm sống rồi khi đã ổn định sẽ tìm đến đam mê sau.

Nếu gia đình có điều kiện, em hãy thi lại hoặc xin  học lại bằng phương án xét tuyển học bạ không cần phải thi. Hiện tại, có nhiều trường chỉ xét tuyển học bạ hoặc đầu vào rất rộng mở. Riêng chuyên ngành thiết kế đồ họa, có trường Cao đẳng Anh quốc FPT BTEC học chương trình đồ họa nước ngoài không cần thi tuyển, học phí khoảng 13 triệu một học kỳ (tổng cộng 6 học kỳ).

Nếu học lực tốt mới nên học hai trường, riêng em học một trường đã mệt, phân tán sức lực làm hai cuối cùng không nghề nào giỏi cả sẽ khó thành công: "một nghề cho chín còn hơn chín nghề'.

Chúc em tìm ra phương án tối ưu.
 

- Thưa ông Dũng. Tôi có định hướng cho con đi du học tại Anh nhưng chi phí hơi cao. Được biết tổ chức Edexcel cũng có chương trình ngay tại Việt Nam đào tạo sinh viên, sau đó có thể liên thông lên năm cuối các trường đại học trên thế giới. Liệu chương trình đó có đảm bảo chất lượng như ở bên Anh hay không và nên đi hướng nào cho chính xác? (Vũ Mạnh Lực, 50 tuổi, Cao Bằng).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Chương trình thực hiện tại Việt Nam có cùng nội dung đào tạo và văn bằng có cùng giá trị pháp lý với văn bằng cấp cho sinh viên học tại Anh. Chương trình có quy trình đảm bảo chất lượng kép và được kiểm định độc lập bởi các cơ quan kiểm định giáo dục Anh hằng năm.

Tùy vào khả năng tài chính của gia đình, hướng hoàn thiện đại học Anh thông qua cao đẳng quốc gia BTEC tại Việt Nam cũng có thể là một lựa chọn cho gia đình. 
 

- Tính tình của em trước giờ là ít nói, ít giao tiếp, nhìn chung rất ít các mối quan hệ. Nhưng em cũng không thích là việc một mình, suốt ngày tiếp xúc với máy mốc, giấy tờ mãi. Vì thế thay vì học thiết kế đồ họa hay công nghệ thông tin thì em chọn ngành quản trị kinh doanh. Em nghĩ việc giao tiếp mình có thể từ từ học hỏi được và rồi cũng sẽ quen thôi. Hơn nữa việc giao tiếp sẽ giúp em lanh lợi hơn và học hỏi được nhiều điều hay, bổ ích hơn từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên em vẫn không chắc chắn lắm về quyết định của mình. Vậy nên em mong các chuyên gia tư vấn giúp em xem thử em thích hợp với nghề nào nhất, vì sao và nếu em nhất quyết học quản trị kinh doanh thì sẽ gặp những khó khăn thử thách gì trong quá trình học, làm việc hơn nữa em cần phải trang bị cho mình những gì để dối mặc với những thứ ấy?
Em xin chân thành cảm ơn các chuyên gia ạ!
 (Mai Thân Diệu Duyên, 18 tuổi, PleiKu-Gia Lai).

 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào em,

Tôi rất hiểu những nỗi niềm mà đang em đang gặp. Tôi nghĩ rằng bất cứ bạn trẻ nào trong độ tuổi như em cũng đều trải qua giai đoạn này trong đời. Bởi đây là thời điểm quan trọng được xem là bước ngoặt lớn, quyết định tương lai. Việc em không tự tin trong giao tiếp là điều dễ hiểu bởi ở độ tuổi này em đang được bảo bọc của gia đình và sẽ cảm thấy rất khó khăn khi hòa nhập vào một cộng đồng lớn. Tuy nhiên, khi em vượt qua được thời gian đầu này và gặp được môi trường đào tạo tốt chắc chắn em sẽ cảm thấy tự tin hơn và theo đuổi được ngành nghề mà em đã chọn. Và một khi em đã chọn ngành quản trị kinh doanh thì em phải quyết tâm theo đuổi đến cùng để đạt được những kết quả tốt về sau.

Trên bước đường sắp tới của em sẽ có nhiều thử thách, nhưng em yên tâm, trường học sẽ luôn luôn có các chuyên gia cùng giảng viên và cán bộ quản lý theo sát để hướng dẫn, chỉ bảo em trong suốt quá trình học tập và rèn luyện. Điều quan trọng lúc này là em nên chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng, sự cố gắng, quyết tâm để đạt được thành công trong tương lai.

- Chào thầy Dũng. Năm nay em trai tôi thi tốt nghiệp THPT và đã đăng ký học tại trường BTEC FPT. Theo thầy, em cần trang bị những kiến thức gì cho việc học tại BTEC sắp tới? (Nguyễn Tường Vi, 26 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ)

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Chào bạn. Bởi chương trình có ngôn ngữ giảng dạy, thi cử hoàn toàn bằng tiếng Anh nên năng lực về ngôn ngữ là quan trọng nhất. Với yếu tố này, việc hoàn thành chương trình BTEC là hoàn toàn khả thi. 


- Chào thầy Hiếu, năm nay tôi có con thi tốt nghiệp, chỉ còn ít ngày nữa cháu sẽ thi. Theo thầy Hiếu tôi cần trang bị cho con như thế nào để con tự tin khi đi thi?(Nguyễn Thị Xuyến, 40 tuổi, HCM).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào chị,

Đến mùa thi, cả thí sinh lẫn phụ huynh đều bắt đầu bước vào mùa căng thẳng. Để mình trở thành một liều thuốc bổ cho con trong giai đoạn cam go này, cha mẹ có thể tham khảo các hành động sau đây:

3 điều phụ huynh cần tránh

* Một là “hăm he” gây áp lực cho con. Đôi khi chúng ta nghĩ cần phải làm như thế để cho con có động lực chăm chỉ dùi mài. Kết quả là nhiều học sinh trong đầu luôn ám ảnh “Lo cho ăn học 12 năm trời, kỳ này mà thi rớt thì đừng có trách!” hay “kỳ này mà không đậu thì đi lấy chồng, không học hành gì nữa cả”. Sự oằn mình gánh nặng kỳ vọng của mẹ cha khiến trẻ mất khả năng tập trung, dễ rơi vào trạng thái lo âu trầm cảm.

* Hai là thờ ơ để trẻ tự bơi. Chúng ta nên nhớ, trong những lúc căng thẳng, tâm lý, trẻ cần sự chia sẻ và đồng cảm từ ai đó để vơi đi phần nào áp lực mình đang nặng đeo mang.

* Ba là quan tâm không đúng cách. Nhiều cha mẹ chăm chút cho con từng li từng tí, hỏi han sít sao, đồng hành mọi lúc mọi nơi. Điều đó khiến các sĩ tử nhiều khi cảm thấy phiền phức và vô tình bị ám thị rằng kỳ thi này là một cái gì đó rất ghê gớm.

5 điều phụ huynh có thể làm, giúp con tự tin, thoải mái, lạc quan

* Một là “đả thông tư tưởng” cho con. “Cha mẹ yêu con chứ không phải yêu điểm của con, vì vậy việc thi đậu hay chưa đậu không phải là số một mà quan trọng là con có thi hết mình hay chưa”. Cha mẹ mong con làm hết sức mình nhưng cũng “mở” cho con một cánh cửa, một lối thoát, cho con được “quyền” không đậu nếu như khả năng con chưa tới.

* Hai là trở thành “lò sưởi” cho con. Hãy làm những hành động đơn giản thôi nhưng ấm áp:

- Sáng dậy sớm cùng con, nấu một bữa ăn sáng cho cô cậu nhỏ.

- Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sửa lại cái đèn cho đủ sáng, nhắc mấy đứa nhỏ mở nhạc bé bé cho anh hai, chị hai của con học bài.

- Bàn học của con lúc này có thêm cái bình hoa thơm thơm hay dĩa trái cây nhỏ nhỏ.

- Thỉnh thoảng ghé qua thăm hỏi: “Sáng giờ mệt không con? Uống ly sinh tố mẹ để trong tủ lạnh ấy!”.

Những hành động đơn giản thế thôi có thể khiến trẻ cảm động. Đó là cách “bơm vitamin” tốt nhất cho tinh thần của con.

* Ba là giúp con “tỏa sáng” qua… nhà bếp! Một tinh thần minh mẫn nằm trong một cơ thể tráng kiện. Nên nấu những món ăn bổ dưỡng, bổ sung trái cây và vitamin, thỉnh thoảng cho con chọn thực đơn mà nó yêu thích. Sau những buổi vắt óc căng não thì không gì bằng những bữa ăn hấp dẫn. Ăn là một cách để "massage não", ăn ngon là cách giảm stress tuyệt vời.

* Bốn là chia nhỏ áp lực. Hãy chủ động tạo các cơ hội nghỉ ngơi cho con để chúng “sạc pin” lại sau từng chặng ôn luyện. “Cả gia đình chúng ta chiều nay cùng nhau đi bơi nhé!” hay cứ cuối tuần ba mẹ con dắt díu nhau đi ăn tối vui vẻ bên ngoài. Hơn nữa, sự vận động thay vì “dán chặt” liên tục trên ghế sẽ giúp cơ thể được “bôi trơn” và tinh thần tỉnh táo sảng khoái. Đừng để trạng thái học hành căng thẳng kéo dài bất tận như một sợi dây dừng sắp đứt mà hãy chia nhỏ nó ra vừa phải.

* Năm là cha mẹ hãy làm “thiên thần hộ mệnh từ xa”, tức là giám sát từ xa để phát hiện kịp thời những biểu hiện tâm lý bất thường. Nếu con bạn có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, các em có thể đang cảm thấy quá tải và cần được hỗ trợ nhiều hơn như:

- Tự nhốt mình quá lâu

- Khóc bứt rứt một mình

- Trằn trọc khó ngủ

- Tính tình trở nên cáu kỉnh khác lạ hay ủ rũ bất thường

Gặp những trường hợp như vậy, phụ huynh nên hỏi han để con có thể tâm sự những bức bối trong lòng, nếu nặng có thể cho con đi kiểm tra tại bác sĩ tâm thần, đề phòng trường hợp các em bị những sang chấn tâm lý.

Ngoài ra, cha mẹ còn nên để ý nhằm tránh việc con bị phá vỡ cân bằng sinh học. Sử dụng trí não quá sức và thời tiết nắng nóng có thể làm suy kiệt thể chất, đặc biệt khi trẻ phá vỡ lối sống sinh hoạt thường ngày như không ngủ đủ hoặc thức quá khuya dậy quá trễ, ăn uống thất thường không theo giờ giấc, học đến mức mặt mày tái xanh tái xám… vốn hay xảy ra những ngày gần đến kỳ thi. Tuyệt đối đừng để con có tư tưởng “Hy sinh tất cả cho ngày thi!”. Tự diệt sức khỏe cũng có nghĩa là “tự nguyện rớt”.

Bạn có thể thưởng cho con vài phần thưởng “bự bự” để khuyến khích tinh thần con cái. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho chúng trong giai đoạn cam go này là việc nhận ra rằng cha mẹ rất yêu thương mình và luôn bên cạnh những khi mình cần nhất. Hãy biến mùa thi thành một mùa cơ hội cho sự quan tâm để đốt lên ngọn lửa gia đình.
 

- Em nghe nói BTEC là một chương trình chuẩn của Anh Quốc. Vậy khả năng liên thông lên các trường đại học của Anh thế nào và sinh viên có phải trải qua thêm một kỳ thi nào nữa không? (Lê Trọng Vinh, 17 tuổi, Hà Nội).

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Với văn bằng cao đẳng quốc gia Anh BTEC, bạn hoàn toàn có khả năng liên thông vào các chương trình đại học năm cuối tại Anh có cùng chuyên ngành và không phải trải qua bất cứ một kỳ thi nào khác.

Điều kiện cần và đủ là bằng tốt nghiệp BTEC và chứng chỉ IELTS 6.5 hoặc tương đương. 
 

- Thưa thầy Hiếu, sắp thi THPT và đại học rồi, em rất lo mình trượt đại học sẽ làm gia đình buồn. Liệu em còn có thể có phương hướng nào khác mà vẫn có cơ hội được học đại học hay trường cao đẳng nào đó phù hợp với sức học của mình? Điểm tổng kết của em chỉ được 6,0 thôi. Em cảm thấy rất áp lực. (Nguyễn Lan Anh, 33 tuổi, Hai Phong).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào bạn,

Cách 1: làm đề thi thử các năm trước xem mức điểm mình có thể đạt được, sau đó tìm kiếm các trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 1-2 điểm để nộp nguyện vọng. Ngày 15/7, em hoàn toàn có thể điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp với sức của mình nhất hoặc với điểm tốt nghiệp THPT mà em có trong năm nay.

Cách 2: chọn các trường chỉ xét tuyển học bạ, không thi tuyển, đặc biệt các trường đại học tư, cao đẳng nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp đầu vào rất rộng mở với nhiều mức học phí từ thấp đến cao để em lựa chọn.

Ngoài ra, còn nhiều trường cao đẳng và trung cấp khác, hãy chịu khó tìm kiếm trên internet và các website tư vấn tuyển sinh từ nay cho đến 15/7 để quyết định kịp thời em nhé.
 

- Tôi lo lắng nếu như con tôi theo học BTEC thì chính thức văn bằng BTEC HND được cơ quan nào tại Việt Nam công nhận? Và văn bằng này tương đương với hệ đào tạo nào tại Việt Nam? (Hương Trà, 46 tuổi, Hà Nội).

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào bạn,

Văn bằng BTEC HND là viết tắt của BTEC Higher National Diploma (Văn bằng cao đẳng quốc gia Anh), có giá trị tương đương với bằng GCSE (cấp độ 1-2), A Level (cấp độ 3) và bằng đại học (cấp độ 4-7). Với bằng cấp BTEC HND level 5, sinh viên có thể học cao hơn vào các trường đại học, đồng nghĩa với việc tương đương với năm thứ 2 trong chương trình đại học 3 năm tại Anh và cao đẳng chính quy tại Việt Nam.

Hiện có hơn 700 trường đại học Anh, Australia, Mỹ tại Việt Nam nhận chuyển tiếp vào năm cuối từ BTEC HND. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 

- Ngày nay có nhiều cơ sở đào tạo các chương trình nghề quốc tế. Vậy nếu theo học, khi tốt nghiệp có thể xin được việc làm ngay và liệu có thể theo nghề ngay được không? Xin bác Dũng giải đáp cho cháu. (Trần Thu Thảo, 18 tuổi, Da Nang).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Vấn đề cần phải lưu ý là chương trình nghề bạn muốn theo học có được công nhận bởi các trường đại học nước ngoài và các hiệp hội nghề nghiệp quốc tế hay không. Điều này quan trọng không chỉ cho công việc tương lai của bạn mà còn là các cơ hội liên thông lên các bậc học cao hơn như đại học hay thạc sĩ. 

Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang đối diện với các áp lực nặng nề bởi tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Đi theo hướng nghề đang là một xu thế tốt thay vì theo đuổi bậc đại học truyền thống. 
 

- Chào thầy Hiếu, em năm nay thi tốt nghiệp THPT ạ, mỗi kỳ thi em đều rất run và làm bài không được tốt trong khi lực học của em có thể làm được, theo thầy em cần phải trang bị kiến thức tâm lý như thế nào để đỡ bị run cho kỳ thi tới ạ? Em cảm ơn thầy. (Nguyễn Văn Minh, 19 tuổi, Gia Lam, Hà Nội).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào em,

Thường chúng ta run là do trí tưởng tượng hù dọa, ta hay hình dung cảnh đề khó, thi rớt, cha mẹ la mắng và cảnh thất nghiệp... rồi tự cảm thấy sợ hãi.

Em hãy làm ngược lại, hãy "bơm vitamin" cho tinh thần bằng cách nghĩ đến môn mà em cảm thấy tự tin nhất, nhớ đến kiến thức mà em nắm chắc nhất, nghĩ đến loại bài tập mà em chắc chắn sẽ có điểm hoặc nghĩ đến người sẽ luôn ủng hộ em dù kết quả thi có như thế nào đi chăng nữa...

Ngoài ra, mỗi lần run, em hãy uống một ngụm nước giống như nuốt nỗi sợ vào trong. Em có thể cắn hoặc nhai cái gì đó cũng là cách để trấn an não. Hít thật sâu và xắn tay áo để sẵn sàng "chiến đấu" với đề thi.

Ngoài ra, đề thi khó là khó chung với cả triệu thí sinh. Cả triệu người cũng run như mình chứ mình không phải là người duy nhất lẻ loi.

Đặc biệt, nếu các nguyện vọng được điều chỉnh lại cho vừa sức, em sẽ tự tin vì nắm chắc 7, 8 phần thắng trong tay với nguyện vọng đó.

Hãy tham khảo thêm 15 cách để lấy bình tĩnh dành cho thí sinh ở những câu trả lời trước em nhé.

Chúc em "xắn tay áo" sẵn sàng bước vào kỳ thi.


- Chào thầy Dũng

Em là sinh viên trường Giao thông vận tải. Em muốn sang BTEC để học lại ngành công nghệ thông tin. Tiếng Anh của em không tốt em có học được không?  (Đào Mạnh Hoàng, 20 tuổi, Hà Nội).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Sinh viên BTEC được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì vậy, nếu ngôn ngữ chưa tốt, em có thể tham gia đăng ký học tiếng Anh một hoặc hai học kỳ trước khi vào chương trình chính thức. Việc này phụ thuộc vào năng lực ngôn ngữ hiện tại của em. 

Dù em theo đuổi ngành nghề nào trong tương lai, ngoại ngữ luôn luôn là yếu tố quan trọng. Đây là lợi thế học tập, giúp em truy xuất các nguồn tài nguyên tri thức và cũng là lợi thế cho công việc sau này.
 

- Làm sao để có thể có phương pháp học hiệu quả để vừa ôn thi THPT Quốc gia 2017 lại có thể tiếp tục ôn thi kỳ thi đại học, cao đẳng ngay sau đó? Em rất lo phạm vi thi đại học, cao đẳng quá rộng và lan man khiến em không biết phải tập trung ôn thi vào đâu. (Thanh Tùng, 16 tuổi, Hồ Chí Minh).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào em,

Hầu hết các môn đều là trắc nghiệm, do đó, em hãy học cách giải trắc nghiệm sao cho thông minh nhất.

Trong việc làm bài trắc nghiệm, hai thứ quan trọng nhất là đáp án và tốc độ. Để chọn ra đáp án đúng, em cần nắm kiến thức, công thức, định luật... và biết cách kiểm tra nhanh để loại đáp án sai.

Để tăng tốc độ có hai cách:

Một là sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy tính cầm tay khi giải một số dạng toán, atlat khi học địa lý...

Hai là luyện thật nhiều lần. Hãy tìm các kho câu hỏi trắc nghiệm, làm đi làm lại để nhớ được đáp án đúng (với các môn khoa học xã hội) hoặc để tăng tốc độ giải (với các môn khoa học tự nhiên).

Ngoài ra, em cần lưu ý những điểm sau;

- Một bài tập, một câu trắc nghiệm nên giải ít nhất ba lần để khắc sâu vào trí nhớ.

- Có khá nhiều nền tảng học trực  tuyến, website ôn thi... Có rất nhiều đề thi hay và đặc biệt có nhiều thầy cô giỏi, hướng dẫn bí quyết giải nhanh, loại đáp án sai. Học ở đây sẽ nhanh hơn tự mò mẫm nhiều.

Mỗi môn sẽ có khoảng 75% nội dung chính, 25% là kiến thức mở rộng. Hãy hỏi thầy cô những kiến thức nào là chính để ưu tiên ôn trước.

Học khôn ngoan thỉ không gian nan, biết cách học sẽ bớt cực nhọc em nhé.
 

3-cau-hoi-giup-hoc-sinh-pho-thong-dinh-huong-nghe-nghiep-5
Sự khác nhau giữa trắc nghiệm và tự luận.


- Kỳ thi tuyển sinh đến gần và em đang phân vân giữa 2 ngành cơ khí chế tạo và công nghệ thông tin. Em thích cả hai nhưng chưa biết rõ nên chọn ngành nào. Người thân khuyên em chọn cơ khí vì không lo thiếu việc nhưng em lại khá đam mê máy tính. Mong thầy tư vấn cho em.  (nguyễn quang thắng, 18 tuổi, HCM).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Hãy cho tôi biết là bạn muốn trở thành ai, làm gì trong 10 năm tới?

Vấn đề không phải là ngành nào hot mà chất lượng con người mới là yếu tố quyết định. Lời khuyên của tôi là bạn nên bắt đầu lập kế hoạch học tập, lựa chọn ngành học mà bạn yêu thích ngay từ bây giờ và nghiêm túc trong việc thực hiện kế hoạch ấy. 

- Chào thầy Hiếu, em xin hỏi thầy một câu nhé. Từ nhỏ em đã có ước mơ trở thành diễn viên điện ảnh, nhưng gia đình em tuyệt đối ngăn cản và bản thân em cũng thấy nghề đó bấp bênh quá. Đến lúc chọn nghề em rất phân vân, bởi vì trong trái tim em chỉ hừng hực ngọn lửa muốn đi làm nghệ thuật thôi. Em phải làm sao đây? (Phạm Xuân Cảnh, 19 tuổi)

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào em,

Nghề này không ai nói trước được điều gì nhưng nếu tim em "hừng hực" mà em không thử sẽ có thể hối hận cả đời. Do đó, e cứ nộp nguyện vọng vào các trường bình thường lẫn trường Sân khấu điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp THPT, em phải thi năng khiếu (phân tích tác phẩm, diễn xuất...), các thầy cô là những chuyên gia trong nghề sẽ cho em biết em có đủ tố chất để theo nghề hay không.

Nếu em trượt Đại học Sân khấu điện ảnh, có thể chọn Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. Nếu trượt nghĩa là có thể em chỉ có đam mê nhưng chưa có tố chất để theo nghề này. Khi đó, em nên chọn một nguyện vọng khác để theo bởi năm nay thí sinh được đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng và tất cả sẽ được xét cùng lúc với nhau.

Chúc em sẽ đạt được nguyện vọng và "cháy" hết mình với đam mê.

- Cháu đang rất lo rằng mình sẽ trượt đại học vì sức học của cháu chỉ ở mức trung bình khá, liệu cháu có thể theo học một trường nào đó mà chỉ dạy nghề để cháu ra trường có thể xin việc được ngay không ạ? (Vũ Hương Trang, 28 tuổi, Bac Giang)

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Em đang trong thời gian ôn thi cho kỳ thi cuối tháng 6 sắp tới nên tâm lý vững là điều cần thiết nhất với em ngay lúc này. Đừng lo lắng mà hãy tập trung và cố gắng thi tốt nhất có thể. Một tinh thần thoải mái và quá trình rèn luyện lâu dài sẽ giúp em gặt hái những kết quả tốt trong tất cả kỳ thi.

Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Tôi tin nếu có yêu thích và đam mê một ngành nghề nào đó và cố gắng theo đuổi vì nó, nhất định em sẽ thành công.
 

- Kính chào thầy cô. Cho con hỏi làm sao để định hướng đúng nghề?

Con xin cảm ơn. (Huỳnh Thị Bích Hồng, 17 tuổi).
 

- Ông Lê Tuấn Dũng:

Các yếu tố năng lực, đam mê và xu hướng ngành nghề là những điều mà bạn nên cân nhắc. 

- Em rất thích công nghệ thông tin đặc biệt là về smartphone, nhưng em học không giỏi toán, và em có làm một bài trắc nghiệm hướng nghiệp thì kết quả là thuộc nhóm Enterprise người kinh doanh. Có người nói là chọn nghề là phải chọn cái mình thích trước, em hoang mang quá. Mong các thầy/cô tư vấn giúp em. (phan tri hung, 17 tuổi, 03 lô H cc 10 ha nghuyễn duy trinh p.bình trưng tây quận 2).
 

- Bà Lê Thị Hồng Hạnh:

Chào em,

Để học ngành công nghệ thông tin cần nhất là tư duy logic, niềm đam mê, ham học hỏi, trau dồi kiến thức. Với em, tôi nghĩ đã đủ các yếu tố để có thể theo đuổi ngành học này. Điểm toán trong quá trình học phổ thông của em không giỏi không có nghĩa là em không có tư duy logic. Toán phổ thông hoàn toàn khác với toán logic. Bên cạnh đó, mô hình trắc nghiệm hướng nghiệp chỉ ra tính cách mạnh nhất và mang tính chất tham khảo. Một người có hướng kinh doanh có thể là người có chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, các dự án khởi nghiệp (start up) đa số là từ những người học ngành công nghệ thông tin.

Tôi nghĩ em sẽ thành công trong kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông tin đã chọn.
 

- Thầy Hiếu ơi, em rất muốn theo ngành sư phạm nhưng gia đình em không cho. Em đi học theo ý ba mẹ, bây giờ ba mẹ lại muốn em đi học theo nghề để sau này học thêm anh văn để được đi du học. Em hiện giờ như đứng giữa những ngã rẽ, làm sao để em định hướng được tương lai ạ? (Kun Mọt Sách, 20 tuổi).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào em,

Hiện tại em đang bị chi phối bởi bên ngoài (các định hướng của ba mẹ...). Tuy nhiên, việc định hướng cuộc đời phải xuất phát từ bên trong bản thân em. Mọi ý bên ngoài chỉ là tham khảo. Nếu không, em sẽ bị dẫn dắt, gió thổi chiều nào xuôi theo chiều đó. Cuối cùng cuộc đời em đi làm ở khắp các điểm dừng mà không có một đích đến.

Đầu tiên, hãy tự hỏi bản thân ba câu:

Câu 1: em thích những nghề gì?

Câu 2: em hợp với những nghề gì?

Câu 3: nghề gì  có thể kiếm ra tiền giúp nuôi sống em?

Để trả lời ba câu hỏi trên, em hãy tham khảo những phần tư vấn trước, em sẽ tìm ra được lối đi cho riêng mình.

Tóm lại, nếu sống bằng một cuộc đời mà người khác "vẽ" ra, sớm muộn gì mình cũng không hạnh phúc. Do đó, nếu em thích ngành sư phạm, hãy thử làm gia sư hoặc dạy học tình nguyện... để kiểm tra bản thân có thật sự phù hợp với ngành này không. Sau đó, hãy tìm hiểu lý do ba mẹ cấm em theo ngành sư phạm. Tập hợp tất cả lý lẽ và bằng chứng để chứng minh và hóa giải những nỗi lo của ba mẹ về ngành này.

Ví dụ: "Con không nên theo sư phạm vì nghề này không kiếm ra tiền. Đi kinh doanh sẽ giàu hơn!". Khi đó, bạn nên: "Cảm ơn ba mẹ đã lo lắng cho con. Con biết ba mẹ sợ cuộc sống của con sẽ khó khăn nếu theo ngành sư phạm. Con thấy các thầy cô ở trường sống rất tốt mà không ai đến mức nghèo đói. Nhiều thầy cô thật sự yêu thích nghề này và họ thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được đến trường, đến lớp. Cũng giống như con lấy vợ là lấy người mình thương sẽ hạnh phúc hơn là lấy vợ giàu mà không thương mình".

Mỗi nỗi lo cần có những lý lẽ và bằng chứng để ba mẹ yên tâm, lúc đó, ba mẹ sẽ tin  tưởng quyết định của em. Chúc em sống và theo đuổi được điều mà mình yêu thích bởi chúng ta chỉ được một lần sống trên đời.
 

- Thầy Hiếu ơi, thầy cho em biết liệu có bí quyết nào để cảm thấy tự tin hơn khi thi đại học không ạ? Em sợ em trượt thì bạn bè cười chê, gia đình thất vọng, thực tế em là người sợ nhiều thứ và dễ bị lo lắng nếu như có tác động từ bên ngoài. (Hồ Nhất Long, 19 tuổi, Lang Son).
 

- Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:

Chào em,

Nếu bắt cậu bé cao 1,6m phải nhảy qua độ cao 2m, cậu bé ấy sẽ không thể nào thấy tự tin. Nhưng nếu mục tiêu chỉ là 1,3m, cậu ấy sẽ tự tin hơn nhiều. Điều này có nghĩa là, nguyện vọng của em phải vừa sức hoặc thậm chí thấp hơn một chút (khoảng 1-2 điểm so với năng lực em có thể đạt tới), chắn chắn em sẽ cảm thấy tự tin hơn.

Nếu bắt cậu bé nhảy qua độ cao 1,3m, nhưng đứng trên cát lún, cậu cũng khó mà cảm thấy tự tin, điều này nghĩa là em không vững nền kiến thức, không thuộc bài, kỹ năng không có, em sẽ bị mất tự tin ngay. Ngược lại, nền kiến thức của em là chắc chắn, kỹ năng giải bài của em là tốc độ và chuyên nghiệp, chắc chắn em sẽ tự tin hơn nhiều khi đối diện kỳ thi.

Nếu một cậu bé chuẩn bị nhảy cao, mục tiêu đã vừa sức, nền đất chắc chắn, nhưng cậu cứ tưởng tượng mình sẽ bị té, gãy chân, bị chấn thương sọ não, sẽ đạp trúng gai... thì cậu đang tự hù dọa, khiến mình sợ hãi. Từ đó nhát chân, mất bình tĩnh và nhảy không cao. Điều này nghĩa là em đừng tự hù dọa bằng cảnh bạn bè cười chê, gia đình thất vọng... mà hãy hình dung đến những môn em giỏi, kiến thức em chắc, những điểm em sẽ đạt được dễ dàng. Ngoài ra, bạn tốt là người sẽ an ủi, thông cảm cho bạn mình chứ không phải cười chê. Gia đình nếu có thất vọng thì em phải có phương án 2, 3, 4... để gia đình hy vọng. Nếu lỡ trượt đại học tốp cao, em chọn đại học tốp giữa. Nếu trượt, em chọn đại học tốp dưới. Nếu không thì vào cao đẳng. Không nữa thì vào trung cấp chuyên nghiệp, nếu không thì vào sơ cấp nghề. Nếu không vào đâu được thì đi học nghề thực tế, trong các cửa hàng, các nhà xưởng, trong các cơ sở dạy nghề.

Đi thi thôi mà, đời còn nhiều đường lắm, cứ bình tĩnh mà sống, cứ tự tin mà thi em nhé.

Chương trình Tư vấn trực tuyến diễn ra trong 2 giờ đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi của độc giả. “Hướng nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông” là một chủ đề nóng, đang được các bạn học sinh cũng như phụ huynh chú trọng mỗi khi kỳ thi THPT Quốc gia và Đại học tới gần. Việc lựa chọn học ngành nào, học tại môi trường nào và quan trọng nhất học để sau này có thể làm việc. Mong rằng chương trình đã giúp độc giả giải đáp phần nào những thắc mắc cho vẫn đề định hướng hướng nghiệp cho tương lai, lựa chọn ngành nghề, môi trường học tập cho phù hợp với bản thân.

 

Theo Thu Ngân - VnExpress

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây