Sống một đời thảnh thơi với 4 chữ "không" quan trọng nhất

Chủ nhật - 22/03/2020 09:50:25

Có được càng nhiều thì gánh nặng trên vai càng lớn, ngược lại, chính những người sở hữu và hiểu được 4 chữ “Không” sau đây lại trở nên thảnh thơi, thỏa mãn với cuộc đời mình.

 
4 khong
 

Chúng ta từng cho rằng, có được càng nhiều thì sống càng thỏa mãn và hạnh phúc hơn. Người có nhiều tiền có thể tiêu xài thỏa thích, người có nhiều quyền thế có thể chỉ đạo uy phong, người có nhiều tài năng có thể tự do phát triển tùy ý mình. Tương tự như vậy, người ở nông thôn thì hâm mộ người thành phố sống hiện đại, người ở thành thị lại muốn tới nông thôn hưởng không khí trong lành. Rốt cuộc, làm thế nào để đạt được sự thỏa mãn tuyệt đối, không ai biết cả.

Thực ra, khi đến một độ tuổi nhất định, người ta sẽ dần nhận ra: Có được càng nhiều thì càng phải gánh vác nhiều điều hơn. Giống như cách mà người xưa đã dạy chúng ta rằng, có được thì ắt có mất, có đến thì sẽ có đi. 

Vì thế, để thực sự sống thỏa mãn, chúng ta cần tới 4 chữ “Không” (Vô) quan trọng nhất đời người, đó chính là: Vô nợ - Vô quan - Vô sự - Vô bệnh.

1. Không dính nợ nần, tự do tự tại về kinh tế tài chính

Đến tuổi trưởng thành, nhiều người bắt đầu thành gia lập nghiệp, kết quả lại đem về thêm vài khoản nợ nần trên lưng. Tiền mua nhà trả góp, tiền mua xe trả góp, tiền để duy trì công ty, tiền để nuôi sống gia đình… Đủ loại tài chính khiến chúng ta bận rộn làm lụng tối tăm mặt mày từ sáng đến đêm.

Khi có nợ nần trên lưng, chúng ta sẽ luôn phải sống trong lo lắng. Bất cứ thời điểm nào, kinh tế có thể xảy ra vấn đề, không xoay vòng kịp để trả đúng hạn, chủ nợ cũng có thể ập tới gây sự. Chúng ta sẽ phải hứng chịu dèm pha điều tiếng và những ánh mắt khinh thường của mọi người.

Khi chúng ta nghèo, bạn bè và người thân cũng chẳng muốn quan hệ thân thiết. Tuy không coi khinh nhưng họ cũng tìm cách lảng tránh, chỉ sợ bị nhờ vả hay hỏi vay. Đấy là một phần hiện thực trong xã hội hiện nay mà ai cũng phải chấp nhận.
 

Đợi đến khi trả hết nợ nần, sở hữu toàn bộ tài sản một cách chân chính, bạn sẽ phát hiện cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và dễ thở hơn rất nhiều. Từ giờ trở đi, bạn có thể làm việc vì đam mê, vì sở thích, công tác trong hạnh phúc và sáng tạo mỗi ngày, không còn lo lắng, không còn áp lực, không phải cố sống cố chết vì một điều gì đó như trước kia nữa. 


2. Không cần quan chức, sống bình phàm và giản đơn

Càng lên cao, con người càng cô độc. Cô độc vì chính gánh nặng trách nhiệm mà mình có trên lưng, luôn phải cẩn trọng tỉ mẩn trong từng lời nói, việc làm. Chỉ cần sai một ly, chúng ta sẽ đi một dặm. 

Ví dụ, nếu bạn là lãnh đạo một công ty, một quyết sách sai lầm có thể gây thiệt hại hàng tỷ đồng, hủy hoại thành tựu tích lũy cả năm trời của tất cả mọi người. Đến lúc đó, bạn không chỉ đối mặt với chính mình, mà đằng sau đó còn có hàng trăm, hàng nghìn công nhân viên khác đang làm việc tại đây, và hàng chục cổ đông khác đã đầu tư vào dự án này.

Khi một người buông bỏ chức quyền, không danh không lợi, tự nhiên cũng không còn trách nhiệm trên vai. Họ có thể sống vì chính mình, tận hưởng sự vui vẻ, hạnh phúc của việc trở thành con người bình phàm trong xã hội một cách nhẹ nhõm. 


3. Vô sự an khang, đây chính là phúc khí được bình yên tự tại 
Có một tiểu hòa thượng phát hiện tổ chim nhỏ ở trên cây. Nó bị gió thổi mạnh đến nỗi có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Tiểu hòa thượng lo cho những chú chim non nếu bị ngã thì sẽ không thoát được nguy hiểm. Vì thế, ngày nào cậu cũng ra gốc cây đứng nhìn một hồi. 

Đến một hôm, tổ chim bị lệch sang một bên, tiểu hòa thượng nhìn mà lo lắng bật khóc. Cả ngày cậu đều không thể tập trung làm điều gì khác, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ sợ một cơn gió khác kéo qua thì chiếc tổ sẽ rơi xuống.

Mãi đến khi sư phụ nhìn thấy, gọi lại hỏi chuyện, cậu mới mếu máo: “Thầy ơi hãy cứu cái tổ chim kia được không, nó sắp rơi xuống rồi.”

Sư phụ cậu bật cười: “Rơi xuống thì sao chứ? Tổ chim đã cũ, chim chóc cũng bay đi hết rồi, không có gì cần lo lắng cả.”

Sau khi biết điều đó, tiểu hòa thượng đã lại ăn ngon ngủ yên, tập trung quét tước sân chùa và niệm kinh mỗi ngày mà không còn lo lắng gì nữa.
 

Có thể thấy rằng, ở đại đa số thời điểm, chúng ta cũng giống như tiểu hòa thượng ấy. Vì cất giấu trong lòng quá nhiều việc nên luôn lo được lo mất, bất an không vui. Mà người có nội tâm bất an thì sẽ không có tâm cảnh tự tại, mà hạnh phúc cũng không có. 

Người ta có câu: “Tâm an, vạn sự an.” Chỉ khi nào buông bỏ những phiền não, nhìn mọi sự thoáng đạt hơn, chúng ta mới đạt tới cảnh giới thoải mái từ trong tâm trí của mình. 


4. Không bệnh tật, thân thể khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của mỗi người

Chẳng phải tự dưng mà người xưa đã nói: “Bệnh tới như núi đổ, bệnh đi như kéo tơ”. Một người bị bệnh, cả nhà lo lắng. Rất nhiều gia đình thậm chí lâm vào túng quẫn, bán hết sạch tài sản, mang những món nợ ngập đầu vì chạy chữa bệnh tật. Nếu thân thể yếu đuối, bệnh tật suốt ngày thì dù có nhiều tiền đến mấy, người ta cũng chẳng thể hưởng thụ một cuộc sống vui vẻ.

Trong bệnh viện, chúng ta có thể gặp rất nhiều người như vậy. Họ đeo phụ kiện tiền tỷ, ngồi những chiếc xe lăn giá trị cả chục triệu đồng, vật dụng hàng ngày cũng đắt đỏ không kém, nhưng ánh mắt của họ chỉ ngập tràn ảm đạm mà không có niềm vui. 

Cuộc đời chính là như vậy. Tài sản, tiền bạc mà họ có được cũng không thể quyết định mức độ hạnh phúc. Nhiều tiền đến mấy, họ cũng không mua được sức khỏe. Ngồi trên xe lăn đắt giá bao nhiêu cũng không quý bằng việc tự mình tản bộ công viên trên đôi giày hàng chợ đã mòn gót.

Quả thật, đời người 30 năm Hà Đông, 30 năm Hà Tây, chẳng ai biết trước được. Tiền tài, địa vị, danh dự đều là gió thoảng mây bay. Có được càng nhiều thì dục vọng và sự tham lam càng khiến người ta sống trong đau khổ. Chỉ có những ai biết cách buông bỏ, hiểu thấu 4 chữ “Không” kể trên, họ mới có cơ hội tận hưởng cuộc đời an nhàn.
 

Theo Phương Thúy
CafeF

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây