Chúng ta đang chọn làm kền kền hay họa mi?

Thứ hai - 29/07/2019 16:17:04
Trên đời có bao nhiêu loài chim thì có bấy nhiêu tiếng hót. Nếu chim ngừng hót, thế giới này còn gì thú vị! Có phải thế chăng?
 
kền kền
 

Này là tiếng chào mào thánh thót, tiếng vành khuyên kiêu sa, tiếng sơn ca trầm bổng, véo von và ngân nga giữa thinh không yên lặng. Này là tiếng bồ câu, tiếng chim gáy gù gù như báo hiệu sớm mai yên bình đã đến, khi đêm đã ngừng khóc và lẩn đi, chỉ để lại những giọt lệ sương còn đọng lại long lanh trên ngọn cỏ. Đấy là tiếng chim gù của nhà thơ Trần Hòa Bình:

Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết

Và đây chú họa mi với tiếng hót sang trọng, lại không kém phần dõng dạc đanh thép khiến các loài chim khác phải im hơi lặng tiếng. Chim yến lại có biệt tài là sở hữu tiếng hót hết sức đa dạng tùy theo sự tập luyện của chủ nhân chúng. Chim yến, một loài chim có nguồn gốc ngoại quốc, đã trở nên quen thuộc với người Việt từ lâu.

Cụ Nguyễn Du viết:

Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa, bộ hành chơi xuân

Loài chim hoang dã cũng có những tiếng kêu mang đầy cảm xúc. Ai đã từng đứng trên bờ biển hoang vắng mà nghe tiếng chim hải âu xao xác trên đầu, hòa vào tiếng sóng, tiếng gió dập dồn cuồn cuộn xô bờ đá, mới thấy trước thiên nhiên, kiếp con người thật nhỏ bé và ngắn ngủi làm sao. Lại có dịp nào đó được nghe có tiếng đập cánh mênh mông trên đầu giữa thảo nguyên và núi đồi xanh mướt, ngẩng đầu lên là nghe tiếng “oác, oác” oai hùng của cánh chim đại bàng to lớn giữa bầu trời bao la xanh thẳm. Tâm hồn bỗng như muốn hóa ra đôi cánh để bay vút lên bầu không, thoát khỏi mọi ràng níu nặng nề của cuộc đời.

Lại có những loài chim chỉ có trong huyền thoại mà tiếng kêu của chúng đã trở thành biểu tượng. Người ta nói rằng: khi phượng hoàng gáy thì thánh nhân sẽ xuất hiện và thế gian sẽ trở nên thái bình thịnh trị. Tiếng chim ca lăng tần già hay hơn tiếng hót của mọi loài chim trên đời vì nó được ví như Pháp âm của Phật.

Nhưng chẳng ai ưa nổi tiếng “éc éc” của loài chim lợn, vốn là tiếng kêu báo hiệu chết chóc. Cũng như tiếng ré của loài kền kền chuyên ăn xác thối. Chim lợn và chim kền kền đại diện cho những điều xấu xa, vì đó là tiếng kêu hả hê của kẻ trục lợi trên thất bại hay nỗi đau của kẻ khác.

Kền kền là một biểu tượng trong văn hóa phương tây chỉ những nhà báo chuyên săn tìm, bám đuổi và thổi phồng, đơm đặt những tin tức giật gân, nhất là của những người nổi tiếng. Vì sao có những nhà báo kền kền? Và vì sao họ lại ăn khách đến thế? Vì sao việc lợi dụng câu chuyện của người khác để tô trát thêm cho mình lại phổ biến đến thế?

Trả lời được câu hỏi này là rất quan trọng, vì truyền thông hiện đại không còn là độc quyền của riêng ai. Bất kể ai trong mỗi chúng ta đều có thể là một nhà báo. Thậm chí chỉ với vài dòng status ngắn ngủi trên Facebook, ta đang làm nhiệm vụ của một nhà báo.

Vậy thì, chúng ta nên chọn tiếng hót của loài chim nào?

Thiết nghĩ rằng, vai trò đích thực của truyền thông luôn phải là khơi dậy được những tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, thiện niệm của con người, chứ không phải là bị lợi dụng để biến thành công cụ phục vụ cho tư tâm của ai đó. Thà rằng chúng ta trở thành tiếng “chim họa mi dịu dàng, hót trong chiều mưa thật buồn”, dẫu có chút buồn thương, dẫu có khi tiếc nuối vẫn còn hơn làm loài kền kền ghê sợ có phải không các bạn?

Theo Thanh Phong
Đại kỷ nguyên

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây