Thiệt hại do sự cố mạng, Facebook có bồi thường?

Thứ bảy - 16/03/2019 18:36:22

Từ tối 13-3 đến tối 14-3, các dịch vụ của Google, Facebook, Instagram... đồng loạt gặp sự cố. Với Facebook, sự cố đã ảnh hưởng nghiêm trọng trọng tới các doanh nghiệp, cá nhân chạy quảng cáo trên nền tảng này.

 
Su co Facebook

Người dùng Facebook trên toàn cầu đã "la ó" vì công việc và kinh doanh bị ảnh hưởng do sự cố của mạng xã hội này - Ảnh: REUTERS
 

Sáng 15-3 (giờ VN), Facebook giải thích lý do nhiều người khó truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ của hãng này là do có "một thay đổi trong cấu hình server" và "hiện chúng tôi đã giải quyết được vấn đề và các hệ thống đang hồi phục".

Người kinh doanh hoang mang

Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc marketing Dịch vụ du lịch Tugo, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng quảng cáo Facebook như một kênh bán hàng chính. Sự cố vừa qua của Google và Facebook đã ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Không chỉ doanh nghiệp, các cá nhân kinh doanh online quảng cáo sản phẩm trên Facebook cũng rơi vào tình trạng hoang mang vì sự cố sập mạng của Facebook.

Qua tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, với những bài viết đang chạy quảng cáo trên Facebook mà tắt đi (do sự cố mạng), khi chạy lại sẽ mất khoảng 2 ngày mới nhận được lượng tương tác bình thường. Vì vậy, nhiều người chọn cách giảm dần số tiền quảng cáo/ngày thay vì tắt hẳn chức năng tự chạy quảng cáo.

Ngoài ra, nhiều tài khoản, trang bán hàng bị mất và không khôi phục được do sự cố mạng. Do đó, không ít người bắt đầu tìm mua các tài khoản quảng cáo đã chạy một thời gian để kinh doanh trở lại.

Chị Lê Lý (Hà Nội), kinh doanh online hơn 3 năm qua, cho biết trước giờ Facebook cũng có sự cố nhưng đây là lần thiệt hại nặng nề nhất chị gặp phải.

"Nếu mọi ngày bài quảng cáo tương tác 100% thì mấy ngày nay chỉ được 30%. Mỗi ngày chị tôi chi 6 triệu đồng cho quảng cáo. Trong 2 ngày 13 và 14 tháng 3, tôi lỗ tổng cộng 12 triệu đồng. Dù Facebook nói đã trở lại hoạt động bình thường, nhưng mức tương tác của sản phẩm tôi quảng cáo trên Facebook vẫn thấp" - chị Lý buồn bã nói và chia sẻ thêm rằng đây là bài học để chị nhận ra rằng không nên quá lệ thuộc vào Facebook.

Tương tự, chị Mai Anh, Phó tổng đại lý hệ thống kinh doanh online của một thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu, bày tỏ thất vọng về lượng tương tác của các sản phẩm quảng cáo trên Facebook đã kém đi rất nhiều.

"Ví dụ, bình thường tôi chi 2 triệu quảng cáo đồng sẽ bán được trên 10 đơn hàng. 1 đơn hàng như vậy tôi thu về trên 1 triệu đồng nên vừa đủ tiền đắp vào chi phí quảng cáo và vừa có lời. Nhưng hai hôm nay (13, 14-3) tôi bị lỗ khi chi 2 triệu đồng/ngày chỉ nhận được 2 đơn, không đủ bù tiền quảng cáo" - chị Mai Anh giải thích.

Bà Trần Ly Na, giám đốc Công ty truyền thông Lalaland, cho rằng qua sự cố vừa qua có thể thấy rất nhiều người kinh doanh, hoạt động trên nền tảng Facebook gặp khó khăn nhưng phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì không biết có thể khiếu nại hay "bắt đền" Facebook được không và hiện rất nhiều người dùng lệ thuộc Facebook vì nền tảng mảng xã hội đang trong thời hoàng kim với hơn 2 tỉ người dùng, ảnh hưởng rất lớn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh.

Người dùng Việt Nam có được bảo vệ?

Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng sự cố "sập mạng" Facebook vừa rồi có thể thấy người dùng Việt Nam khó có thể được bảo vệ, bởi đơn giản về luật, Việt Nam chúng ta chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm những nhà cung cấp dịch vụ internet như Facebook đối với người dùng khi xảy ra sự cố.

Hiện tại, theo LS Đức, người dùng có thể căn cứ vào Luật bảo vệ người tiêu dùng để khởi kiện Facebook, tuy nhiên làm thế nào để chứng minh thiệt hại của mình quy ra tiền không phải chuyện dễ.

"Những người chạy quảng cáo trên Facebook có thể tính được nhưng những thiệt hại khác về mặt uy tín, doanh số... khó có thể tính được. Do đó, cần sớm có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể với các nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Google đối với người dùng Việt Nam để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự công bằng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet trong nước" - LS Đức nói.

Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Kho học và Công nghê (Sở KH&CN TP. HCM), nhận định rằng sau sự cố này, có thể Facebook sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra những hình thức đền bù. Tuy nhiên, đền bù này dựa trên số tiền chạy quảng cáo chi ra chứ không phải dựa trên doanh thu.

Vì vậy, theo ông Huy, việc đền bù của Facebook (nếu có) chỉ mang tính hỗ trợ, chứ không phải quyết được tất cả thiệt hại đã xảy ra, không bù đắp được hết tổn thất về lợi nhuận.


Theo trang Downdetector.com chuyên giám sát hoạt động của các trang mạng, hoạt động của Facebook đã bị gián đoạn từ 12h giờ địa phương ngày 13-3 (tức 23h tối cùng ngày, giờ VN), trong đó có khu vực Bờ Đông và Bờ Tây, một số khu vực của châu Âu và những nơi khác. Trang chủ của Facebook và ứng dụng đều bị ảnh hưởng.

Một số người dùng nhận được tin nhắn "Facebook bị treo do cần được bảo trì". Thoạt đầu phía Facebook cũng không giải thích được nguyên nhân khiến mạng xã hội này bị gián đoạn. Khi đó, thông qua tài khoản Twitter, phía Facebook chỉ khẳng định sự cố sập mạng này không phải do bị tấn công từ chối dịch vụ DDoS.
 

 


Nguyễn Thành Long (phụ trách Số của công ty Tiếp thị Xanh):

Cần đa dạng nền tảng kinh doanh online

Cách chăm sóc khách hàng của Facebook đều phân cấp bậc, dựa theo các quy mô doanh nghiệp khác nhau.

Với các khách hàng là tập đoàn lớn, Facebook cung cấp tài khoản riêng. Trong khi những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được chăm sóc thông qua hệ thống hỗ trợ của Facebook.

Trong sự cố Facebook vừa qua, tâm lý của doanh nghiệp nhỏ hay cá nhân bán hàng vẫn là mong Facebook sửa nhanh xong lỗi để họ còn làm ăn vì căn bản sản phẩm như Facebook là một nền tảng giao tiếp xã hội quá phổ biến cho các hoạt động kinh doanh.

Nhưng sự cố này cũng cho thấy việc đa dạng nền tảng kinh doanh online là rất cần thiết. Các doanh nghiệp không nên chỉ phụ thuộc vào một kênh như Facebook và nên xây dựng kênh đa dạng hơn, cũng như hướng về những nền tảng các nền tảng do mình sở hữu như website riêng vì bây giờ làm website cũng dễ chứ không có khó khăn như xưa nữa.

Tôi nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ kinh doanh những sản phẩm rất đơn giản như cơm cháy, chè, bún đậu... nhưng họ đầu tư vào hình ảnh, có hẳn webiste riêng rất bài bản. Họ xem các mạng xã hội là nơi dẫn khách đến trang của mình chứ không phụ thuộc vào đó.
 

 
Theo ĐỨC THIỆN - BÔNG MAI - TÚ ANH - NHƯ BÌNH
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây